Tiềm năng du lịch
Phú Thọ nằm ở đỉnh tam giác châu thổ Bắc Bộ, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi, là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam). Phú Thọ có lịch sử lâu đời, được coi là đất tổ của dân tộc Việt. Theo truyền thuyết, đây là nơi các vua Hùng chọn làm đất đóng đô, đặt tên là kinh đô Văn Lang (kinh đô đầu tiên của Việt Nam). Khu di tích lịch sử Đền Hùng hiện nay là di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của quốc gia. Toàn tỉnh có 1.372 di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, trong đó có 72 di tích được xếp hạng quốc gia, 172 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Phú Thọ còn nổi tiếng với loại hình hát Xoan (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại), hát Ghẹo cùng nhiều lễ hội truyền thống độc đáo.
Bên cạnh đó, Phú Thọ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng các tài nguyên thiên nhiên có giá trị như: Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong 30 vườn quốc gia của Việt Nam, có đa dạng sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao; mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy có trữ lượng lớn hàm lượng nguyên tố vi lượng hữu ích rất thích hợp cho công việc tắm ngâm, phục hồi sức khỏe và chữa bệnh… Với những lợi thế đó, nhiều loại hình du lịch có sức hấp dẫn du khách như tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch sinh thái… đang được tỉnh chú trọng phát triển và khai thác.
Chưa giữ chân được khách du lịch
Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã chú trọng tới việc phát triển ngành du lịch tại địa phương. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển du lịch Phú Thọ giai đoạn 2006 – 2010 và quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết cho các khu du lịch như: khu du lịch dịch vụ Nam Đền Hùng; khu du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy… Hiện tỉnh đang xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030 là những định hướng quan trọng để kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch của tỉnh. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2006 – 2012 là 798,63 tỷ đồng, trong đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là 210 tỷ đồng.
Năm 2006, Phú Thọ có 3 triệu lượt khách tới tham quan, trong đó có 262 ngàn khách lưu trú, lượng khách quốc tế đạt 2,3 ngàn lượt, đạt tổng thu 403 tỷ đồng. Năm 2011, Phú Thọ đã đón khoảng 6 triệu lượt khách tham quan, nhưng cũng chỉ có 470 ngàn lượt khách lưu trú, khách quốc tế đạt 3,5 ngàn lượt, đạt tổng thu khoảng 685 tỷ đồng. Và trong 6 tháng đầu năm 2012, Phú Thọ đã đón 5 triệu lượt khách tham quan, khách lưu trú đạt 300 ngàn lượt, khách quốc tế là 2,7 ngàn lượt, đạt tổng thu 236 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân của khách năm 2006 là 0,75 ngày, 6 tháng đầu năm 2012 là 1,2 ngày. Điều đó cho thấy khách du lịch về Phú Thọ đông nhưng tỷ lệ lưu lại rất thấp, thời gian lưu trú ngắn.
Phương hướng khai thác tiềm năng du lịch hiệu quả
Trong thời gian tới đây, Phú Thọ từng bước phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế trung tâm, lợi thế vùng Đất Tổ. Đó là tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng phục vụ các điểm du lịch; Đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch, huy động các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng đầu tư phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch; Phát triển du lịch bền vững gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên du lịch, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc vùng Đất Tổ.
Phấn đấu đến năm 2015, Phú Thọ sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch thiết yếu, từng bước đưa vào khai thác các dự án thành phần của 4 khu du lịch: Thành phố Việt Trì và di tích lịch sử Đền Hùng, Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu đô thị du lịch – dịch vụ - thể thao Xuân Quang, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy. Nghị quyết hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 – 2015 đã đặt mục tiêu năm 2015, lượng khách tham quan đạt 6-6,5 triệu lượt; trong đó, khách lưu trú đạt 750 ngàn lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân 17,4%/năm; khách quốc tế là 6 ngàn lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,4%/năm; thời gian lưu trú bình quân là 1,4 ngày; đạt tổng thu 1.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm 10%/năm; tạo công ăn việc làm cho 20,6 ngàn lao động.
Du lịch Phú Thọ xác định thị trường khách nội địa là thị trường trọng điểm với các giá trị văn hóa cội nguồn dân tộc Việt Nam có sức hút tâm linh rất lớn đối với hơn 86 triệu đồng bào khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Thị trường khách quốc tế, tập trung khai thác thị trường khách Việt Kiều với các sản phẩm du lịch “Về cội nguồn các dân tộc Việt Nam” và khách tại các nước trong khu vực.
Với mục tiêu giữ chân khách du lịch ở lại Phú Thọ lâu hơn, tỉnh tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch chính: Sản phẩm du lịch văn hóa – lễ hội; Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí; Sản phẩm du lịch sinh thái, danh thắng và nghỉ dưỡng với hạt nhân là Đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì, hệ thống các di tích gắn với giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Vườn quốc gia Xuân Sơn. Liên kết các tour, tuyến du lịch bằng cách xây dựng tuyến du lịch nội tỉnh (tuyến nối trung tâm du lịch Việt Trì đến các khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn), tuyến du lịch liên tỉnh (nối các địa danh nổi tiếng của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái- Lào Cai và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc), tuyến du lịch quốc tế (qua tuyến đường bộ Hà Nội – Phú Thọ - Yên Bái- Lào Cai (Việt Nam) – Côn Minh (Trung Quốc), Phú Thọ - Tuyên Quang – Hà Giang (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc) …).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú ý nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đổi mới phương thức, nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư như xây dựng website, ấn phẩm tuyên truyền…; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; Xây dựng, ban hành các chính sách đầu tư, phát triển du lịch
Du lịch